Thứ 2, Ngày 16 tháng 03 năm 2020, 12:00

Cách học phụ âm tiếng Việt cho người nước ngoài

Tiếng Việt là thứ tiếng đơn lập, nghĩa là mỗi một tiếng (âm tiết) được nói tách biệt nhau và thể hiện bằng một chữ viết. Tiếng Việt có hệ thống các nguyên âm, phụ âm và đặc biệt là hệ thống thanh điệu đa dạng tạo nên nét đặc trưng rất khác lạ, đồng thời cũng là thách thức tương đối lớn với những người mới bắt đầu học tiếng Việt.
 
 
Bằng chút kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ một cách nhỏ về phương pháp giúp người nước ngoài mới bắt đầu học tiếng Việt tiếp cận và làm quen với hệ thống phụ âm tiếng Việt hiệu quả. Bởi, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy, người học không chỉ nói sai thanh điệu tiếng Việt mà còn nói không đúng một số phụ âm đầu.
Việc phát âm nhầm lẫn những phụ âm đầu khiến cho học viên ngay từ buổi đầu làm quen với phần ngữ âm tiếng Việt có suy nghĩ tự tin và thường né tránh khi phải phát âm những phụ âm đầu đó.
Phụ âm tiếng Việt khá đa dạng, gồm các phụ âm đơn và phụ âm đôi (ghép): b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x, ch, gh, gi, kh, ng, nh, ngh, ph, th, tr và có những phụ âm khi phát âm na ná nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Để dạy hệ thống phụ âm hiệu quả và tránh sự nhầm lẫn khi phát âm thì cách tốt nhất theo chúng tôi là dựa vào vị trí cấu âm. Cách dạy dựa vào vị trí cấu âm sẽ giúp người học dễ dàng hiểu được cách đặt lưỡi khi phát âm để có thể phát âm một cách tương đối chuẩn xác.
Việc phân chia các phụ âm tiếng Việt theo vị trí cấu âm có một số điểm mạnh nổi bật và rất dễ dàng cho người học:
Thứ nhất: Người học rất dễ tưởng tượng cách đặt lưỡi khi phát âm.
Thứ hai: Từ vị trí đặt lưỡi không giống nhau đó, người học có thể so sánh và phân biệt được những điểm giống và gần giống nhau giữa các phụ âm trong cùng một nhóm.
Trong quá trình dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi hiểu ra, việc gặp các lỗi phát âm phụ âm đầu ở những nước khác nhau là khác nhau. Chẳng hạn như người Lào ở phía Bắc Lào không thể và rất khó khăn để phát âm đúng chữ đ mà thường phát âm chữ đ thành chữ l ( Cô giáo đẹp lắm – Cô giáo lẹp lắm). Tình trạng đọc nhầm lẫn l – đ cũng xảy ra ở người Đài Loan hay người Trung Quốc; cụ thể là người Trung Quốc ở những vùng gần biên giới phía Bắc nước ta còn nhầm lẫn phát âm giữa đ – t. Người Campuchia thường nhầm lẫn cách phát âm phụ âm gốc lưỡi c- g.
Những tình trạng nhầm lẫn khi phát âm các phụ âm đầu là tình trạng khá quen thuộc ở một số quốc gia và tình trạng này mang dấu ấn ngôn ngữ mẹ đẻ nên việc sửa lỗi cho học viên yêu cầu người dạy và người học phải rất kiên trì mới có thể có hiệu quả.
 
 
Today Education - Cung cấp giáo viên bản ngữ